Triển lãm hoạ sĩ Đỗ Chung

Triển lãm hoạ sĩ Đỗ Chung
Ngày đăng: 29/04/2023 02:20 PM

Sắc màu và bút pháp trong biểu cảm sáng tạo của Đỗ Chung.

Kể từ khi trừu tượng ra đời vào thế kỷ 20, cuộc cách mạng hoá về sự đối đầu nổi loạn khỏi nghệ thuật tượng hình đã mở ra nhiều con đường sáng tác cho các nghệ sĩ. Hoạ sĩ Đỗ Chung từ sau cuộc triển lãm và 2 năm nghiên cứu hội họa thế giới tại châu Âu, đã quyết định chọn hội họa trừu tượng làm hướng đi chính cho mình. Với ông, vẽ trừu tượng là cách ông nói lên sự khao khát của đa số các họa sĩ đương thời muốn thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào đối tượng, vào những lệ luật cũ, và vào thế giới tự nhiên – thế giới của những khái niệm, mà họ thường phải dựa vào để diễn đạt những ý tưởng thẩm mỹ của mình. Ông thực sự khuất phục với những cảm giác chiêm nghiệm, nhìn xa trông rộng, vượt không gian, thời gian. Trừu tượng của Đỗ Chung có chăng được cụ thể hoá qua bút pháp, nhưng hình tượng thì lại gợi nhiều thông điệp, những thông điệp chinh phục được cả những xúc cảm trong vô thức. Chính nơi đó, sự tiến hoá trong tâm thức và mối liên kết giữa những quan hệ với tự nhiên và con người trở nên mạnh mẽ.

Từ năm 2018 đến nay, Đỗ Chung đã  có những cuộc triển lãm gây nhiều chú ý tại Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội…  với các tên gọi “Thời gian” (Thanh Hóa – 2018), “Mưa nguồn” (TPHCM – 2019) và “Mây ngàn” (Thanh Hóa -2020), “ Người đàn bà đi tìm mặt trời” ( TP. HCM - 2022)… Các cuộc triển lãm đều mang đến cho công chúng yêu nghệ thuật sự mãn nhãn và tin tưởng tuyệt đối vào những tuyên ngôn nghệ thuật mà Đỗ Chung ngày đêm theo đuổi. 

Tại thời điểm hiện tại, dù sức khoẻ của ông đã yếu, có những lần tưởng chừng không thể đáp ứng được khát vọng chinh phục nghệ thuật, thì nó lại là khoảng khắc giới thiệu một điều mới mẻ cho thế giới. Lần này gặp Đỗ Chung ông nói: “ Có khi đây là triển lãm cuối cùng của Chú”, nhưng tôi vẫn thấy một năng lượng dạt dào trong ông, một năng lượng thuần khiết đến nổi nó trở nên độc bản, mà không ai có thể sao chép được sự tích cực ấy.  Nhà sử học Meyer Schapiro có nói: “ trạng thái tinh thần của nghệ sĩ, là sự phản ứng cảm xúc của anh ta đối với thế giới mà anh ta đang sống”. Rõ ràng cảm xúc của Đỗ Chung đối với thế giới được cụ thể hoá trong những nét “ lạc quan vật chất” trên tranh. Những dòng chảy nhịp điệu nối tiếp nhau, những lớp màu ẩn hiện thay nhau biểu cảm, nét người phụ nữ thoáng qua trong sự ẩn dụ tinh tế, nhẹ nhàng.

Xuất hiện lần này với chủ đề triển lãm “ Người đàn bà trên sông Hằng” sẽ giới thiệu đến các bạn yêu nghệ thuật 37 tác phẩm, với những lý lẽ đã thấm nhuần từ những ngày đầu tiếp cận hội hoạ trừu tượng của Đỗ Chung. Triển lãm diễn ra trong tháng kỷ niệm ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, và dịp lễ Quốc tế lao động. Hứa hẹn sẽ là một điểm đến thăm thú trong dịp lễ kỷ niệm năm nay. Buổi khai mạc diễn ra vào lúc 10h sáng ngày 6/5/2023 tại Bảo tàng mỹ thuật TP.HCM.

Bảo tàng trân trọng đón tiếp!

2021 © Bảo tàng Mỹ thuật Hồ Chí Minh. Design by Nina.vn
  • Đang online: 5
  • Tuần: 4835
  • Tháng: 2577
  • Tổng truy cập: 540436